Tiện lợi nhưng không thay thế được cha mẹ, thầy cô
SLLĐT có thể được hiểu ngắn gọn là một giải pháp thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thông qua việc ứng dụng internet (thông báo qua website, email), tin nhắn điện thoại SMS…dưới sự phối hợp giữa nhà trường với một đơn vị cung cấp dịch vụ. Hàng ngày, giáo viên sẽ viết những nhận xét, điểm số của từng học sinh. Sau đó, nhân viên của đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ nhận và nhập dữ liệu đó vào phần mềm quản lý rồi gửi đến điện thoại của CMHS. Giáo viên không phải cặm cụi nhắn từng tin nhắn cho CMHS như nhiều người vẫn nghĩ. Với dịch vụ này, phụ huynh có thể biết kết quả học tập mới nhất của con em như điểm kiểm tra môn học, hạnh kiểm, học lực, nhận xét của giáo viên chủ nhiệm... Vì nhanh chóng, tiện lợi nên SLLĐT được ngày càng nhiều nhà trường và CMHS ủng hộ và tham gia.
Tuy nhiên, quá trình sử dụng SLLĐT đã phát sinh nhiều vấn đề. Trước hết là việc CMHS nhận được các tin nhắn “nhân bản” giống nhau giữa các học sinh hoặc ngày này giống ngày khác. Thậm chí nhiều người còn nhận được thông tin sai như con nghỉ học mà vẫn nhận được tin nhận xét của giáo viên… Nhiều CMHS cũng băn khoăn khi tiền thu phí giữa các trường “trăm hoa đua nở” và không biết bao nhiêu là hợp lý. Công tác bảo mật thông tin cũng là vấn đề đáng quan tâm. Bên cạnh đó, không ít CMHS lo lắng SLLĐT sẽ làm các giáo viên trở nên cứng nhắc. Chị Thu Trang, một CMHS ở quận Hai Bà Trưng bày tỏ: “Cái gì cũng phụ thuộc vào công nghệ hiện đại quá sẽ làm mất dần sự ân cần, chu đáo của các cô. Khi đón con, các CMHS hoàn toàn có thể hỏi về con trực tiếp với cô giáo”. Còn chị Nguyễn Thu Thủy, có con học lớp 2 một trường tiểu học quận Hoàn Kiếm nhận xét: “Về mặt chuyên môn, giao tiếp trực tiếp với phụ huynh giúp các cô nắm được nhiều thông tin hơn. CMHS cũng hiểu cụ thể về con thông qua cử chỉ, thái độ, nét mặt, tâm trạng của giáo viên”.
Việc lạm dụng SLLĐT cũng có tác động không tốt với học sinh. Đa số các em không thích thú với việc bị giám sát, theo dõi hàng ngày. Trên mạng internet hiện đã xuất hiện nhiều hội nhóm phản đối việc sử dụng SLLĐT và kêu gọi trả lại…tự do. Có hội thu hút tới hơn 5 nghìn người tham gia. Tiến sỹ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cho rằng, dù có tiện ích tới đâu, SLLĐT cũng không thể thay thế được hoàn toàn vai trò của bố mẹ, thầy cô trong việc quản lý và giáo dục trẻ. Ở một góc độ nào đó, SLLĐT phù hợp hơn với các gia đình có con học khá giỏi nhưng chưa hẳn đã có tác dụng tích cực với những gia đình có con học yếu kém. Việc lúc nào cũng có cảm giác bị theo dõi, bị "tố" tội sẽ tạo cho trẻ tâm lý ngày càng lì lợm, bất cần.
Trước những vấn đề phát sinh trong quá trình sử dụng SLLĐT gần đây, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga khẳng định: SLLĐT là một trong những kênh thông tin nhanh chóng, góp phần vào việc phối kết hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội để thực hiện tốt công tác giáo dục học sinh. Tuy nhiên đây chỉ là một trong những kênh thông tin chứ không phải là kênh duy nhất hay quan trọng nhất. Sở GD&ĐT Hà Nội không khuyến khích các nhà trường thu phí sử dụng SLLĐT dạng tin nhắn SMS. Sử dụng SLLĐT là việc làm tự nguyện, không thể bắt CMHS tham gia. Các trường không được lạm dụng SLLĐT. Ngoài việc sử dụng SLLĐT vẫn phải có sự liên lạc giữa nhà trường với gia đình qua điện thoại, qua các hình thức khác như gặp gỡ trao đổi trực tiếp.
PGĐ Phạm Thị Hồng Nga nêu rõ: “Việc thu phí SLLĐT phải được công khai, minh bạch, dựa trên sự thỏa thuận giữa gia đình – nhà trường – doanh nghiệp với mức tối đa là 35 nghìn/tháng tùy theo từng gói dịch vụ”.
Lãnh đạo Sở cũng lưu ý các trường cần chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ uy tín và có chất lượng. Khi ký hợp đồng cần lưu ý đến số tin nhắn tối thiểu nhất định. Hiện nay, các nhà cung cấp thường chỉ quan tâm số tin nhắn tối đa chứ không cho số tin nhắn tối thiểu. Trên thực tế, số tin nhắn tối thiểu rất quan trọng. Tất cả CMHS đăng ký đều muốn nhận được tin nhắn về con họ dù các cháu được điểm trung bình, ngoan, đi học đều đặn…chứ không phải học sinh bình thường, không có gì xuất sắc hay yếu kém nên không nhắn tin. Hơn nữa, nhà cung cấp dịch vụ, nhà trường, giáo viên phải có trách nhiệm, tuyệt đối không được nhắn theo kiểu đối phó, dùng một tin nhắn đồng loạt để nhắn chung cho tất cả các học sinh bởi mỗi em là một tính cách, một cá nhân riêng không phải cháu nào cũng giống cháu nào. Giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm kết hợp với nhà mạng làm thật tốt công tác giáo dục học sinh một cách hiệu quả, nhắn tin nhận xét theo đúng đặc điểm của từng học sinh.
Để tích cực đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát huy hiệu quả những mặt tích cực của Sổ LLĐT, hàng năm Sở GD&ĐT đều có văn bản hướng dẫn ứng dụng CNTT, quy định về bảo mật, an toàn hệ thống thông tin cho các đơn vị. Trong thời gian tới, Sở sẽ nghiên cứu, ra văn bản quy định các hình thức sử dụng, mức độ cung cấp thông tin tối thiểu, giá trần của SLLĐT đối với dạng tin nhắn SMS.
Tác giả: Định Nguyễn Văn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn